Một dự án đã được triển khai ở Đắk Lắk nhằm biến bơ thành loại trái cây đặc sản của vùng cao nguyên.
Từ chặt bỏ hàng loạt…
Cây bơ có mặt ở Tây Nguyên từ những năm 1940 và phát triển mạnh ở Đắk Lắk do thích hợp đất đai, khí hậu vùng này. Tuy vậy đến nay bơ vẫn mang “thân phận” là loại cây trồng phụ, chỉ xuất hiện rải rác ở bờ dậu, những nơi đất thừa thẹo… Mùa bơ chín rộ, gia súc nhiều vùng được vỗ béo bằng bơ. Một thời người ta chặt bỏ cây bơ hàng loạt vì cho rằng không có giá trị kinh tế. Mặc dù giá trị dinh dưỡng của trái bơ rất cao, giàu vitamin, ngăn ngừa nhiều loại bệnh, được sử dụng làm nguyên liệu trong công nghiệp mỹ phẩm… nhưng chính người trồng bơ lại chưa có thói quen… ăn bơ. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam cảm thấy tiếc cho cách cư xử không mấy mặn mà với trái bơ của người tiêu dùng nội địa.
Phải đến khi có một dự án triển khai từ năm 2006, trong một chương trình hợp tác quốc tế thì việc nâng cao nhận thức về giá trị của trái bơ, tạo hướng mở mới cho cây bơ hàng hóa mới được đề cập đến. Đó là dự án Phát triển chuỗi giá trị bơ trái Đắk Lắk với sự tài trợ của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Đức. “Phát triển chuỗi giá trị” chính là chuyên nghiệp hóa khâu thu gom, bảo quản, cung ứng bơ trái chất lượng cao, xây dựng, quảng bá thương hiệu, tăng nhu cầu sử dụng bơ của người tiêu dùng. Tiến sĩ Trịnh Đức Minh, Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đắk Lắk, cho rằng: “Dự án đã góp phần quan trọng vào việc đánh thức tiềm năng phát triển cây bơ trên địa bàn, vinh danh trái bơ trên thị trường trái cây cao cấp; qua đó xác lập chỗ đứng cho cây bơ hàng hóa”.
Theo khảo sát của dự án, hiện tổng diện tích bơ ở Đắk Lắk gần 2.700 ha, sản lượng bơ trái hằng năm đạt trên 40.000 tấn, lợi nhuận đem lại khoảng 7 triệu USD. Tiến sĩ Trịnh Đức Minh đánh giá, lợi nhuận của cây bơ sẽ còn cao hơn nếu đầu tư phát triển mạnh “chuỗi giá trị bơ”.
…đến thương hiệu Dakado
Từ tháng 6.2008, trên các chuyến bay của Vietnam Airlines từ Tp Buôn Ma Thuột đi Hà Nội đã có những kiện bơ trái đóng gói mang thương hiệu Dakado. Đây là loại nông sản đầu tiên của Đắk Lắk được lưu thông thương mại qua con đường hàng không. Bơ trái Dakado chính là mắt xích kết nối nhà cung ứng với người tiêu dùng và cũng là sản phẩm cụ thể của dự án “phát triển chuỗi giá trị bơ”.
Cty TNHH Thu Nhơn (Tân An, Tp Buôn Ma Thuột) đã vượt qua sự sàng lọc và trở thành doanh nghiệp duy nhất phát triển thương hiệu bơ trái Dakado chất lượng cao với sự hỗ trợ của dự án. Đến nay, bơ Dakado đã có mặt tại mạng lưới siêu thị Metro, Saigon Co-op Mart (Tp.HCM) và Fivi Mart (Hà Nội), với giá bán từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Theo bà Nguyễn Thị Thu Nhơn, Giám đốc Cty TNHH Thu Nhơn, để duy trì chất lượng bơ Dakado, gần 200 người thu mua và nhà vườn đã được tập huấn kỹ lưỡng quy trình thu hoạch, bảo quản sản phẩm. Mỗi trái bơ Dakado đều được dán tem ghi mã số người thu mua, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bơ Dakado phải đạt chuẩn là bơ sáp, khi hái không cắt cuống, không trầy xước, đạt kích cỡ nhất định (từ 3-4 trái/kg). Hiện mỗi ngày Cty Thu Nhơn xuất đi các tỉnh, thành gần chục tấn bơ xô và từ 1-2 tấn bơ Dakado cho các siêu thị. Bà Thu Nhơn nhận xét: “Trái bơ vẫn chưa quen thuộc với số đông người tiêu dùng, nhất là ở các đô thị đồng bằng. Tuy vậy, thị trường tiêu thụ bơ Dakado rất khả quan, lượng đặt hàng ngày một tăng. Cty cũng đang xây dựng kế hoạch mở rộng hợp đồng cung ứng với các nhà vườn trồng bơ và xuất khẩu bơ trái Dakado trong năm tới” .
Trần Ngọc Quyền - Báo Thanh Niên